Giày tây nam cùng với một bộ suit được coi là một chỉnh thể toàn diện để đánh giá phong thái ăn mặc của một gã đàn ông.
Từ lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19 tại Anh Quốc, giờ đây giày tây nam đã có một lịch sử phát triển dài và phức tạp. Đi liền với đó là nhiều mẫu mã, những quy tắc ăn mặc cầu kỳ cũng ra đời, song hành cùng sự phát triển về nhận thức và gu thời trang qua nhiều thời kỳ.
Trong bài viết này, Mangazines sẽ gửi đến cho các bạn tất cả kiến thức về loại giày rất phổ biến nơi công sở này và cách chọn lựa ra sao cho phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.
Còn giờ thì không chần chừ nữa, chúng ta hãy cùng đến với nội dung chính của bài viết.
CÁC LOẠI GIÀY TÂY NAM PHỔ BIẾN
Giày tây nam được coi là món đồ không thể thiếu trong tủ giày của một gã đàn ông thời hiện đại. Cho dù là chốn công sở hay một buổi tiệc cưới, họp mặt bạn đều cần một đôi giày tây đẹp.
Ngoài kiểu dáng thì những đặc điểm như là chất liệu, cấu trúc, màu sắc, họa tiết và các tính năng của một đôi giày da cũng là điều mà bạn phải lưu tâm đến. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi từ đặc điểm tổng thể nhất cho đến những điều nhỏ nhoi tinh tế hơn.
1 – OXFORD
Oxford trở thành tên gọi chính thức cho kiểu giày tây nam sang trọng này sau khi nó trở thành một xu hướng tại Đại học Oxford vào những năm của thế kỷ 19. Giày Oxford nam có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng nó luôn giữ nguyên được dáng vẻ và thiết kế thanh tao, lịch sử và cổ điển trong thiết kế. Đây là một sự lựa chọn cho mọi lứa tuổi từ những chàng trai trẻ cho đến những người đàn ông chững chạc và lớn tuổi hơn.
Có 3 đặc điểm để nhận dạng một đôi giày tây nam Oxford:
- Cổ giày nằm dưới mắt cá chân
- Đế thấp
- Và điểm quan trọng nhất – cách dây giày được thắt.
Đối với giày tây nam Oxford, phần dây giày thắt chặt về phía dưới và phần mui giày khít lại với nhau. Còn đối với giày da kiểu Derby thì phần mui mở hờ tạo ra một khoảng trống ở giữa – chúng ta cũng sẽ đến với loại giày tây nam Derby ở ngay phần tiếp theo.
Vì đây là mẫu giày phổ biến nhất nên chúng có nhiều biến thể khác nhau tùy theo kiểu cách và họa tiết (chi tiết cụ thể sẽ giới thiệu sau). Dưới đây là các biến thể đó.
1.1 – Oxford Plain toe (Giày tây nam Oxford mũi trơn)
Giày tây nam mũi trơn trông cũng đơn giản như chính cái tên của nó, bởi hầu như chúng không hề có họa tiết nào. Vì vậy trông chúng rất gọn gàng và đơn điệu.
Đây là kiểu giày tây nam đẹp mang thiết kế đơn giản nhất cũng đồng thời lịch sự nhất. Do đó nên đôi giày này phù hợp nhất khi bạn mang chúng cùng một bộ suit may đo cổ điển, lịch lãm để đi đến những sự kiện thật sự quan trọng ban tối và đòi hỏi nhiều lễ nghi. Mà thật ra thì kiểu giày này phù hợp cho những quý ông trung niên hơn là những chàng trai trẻ tuổi.
1.2 – Giày tây nam Oxford Cap toe
Nếu kiểu giày tây nam mũi trơn dành cho những sự kiện trang trọng buổi tối , thì giày tây nam cap-toe là sự lựa chọn hợp lý nhất cho môi trường công sở đòi hỏi sự chỉn chu như đi gặp khách hàng, kí kết hợp đồng, họp hành quan trọng…
Giày tây nam Cap-toe là kiểu giày được đắp thêm một lớp da bọc trên phần mũi giày hoặc có đường viền chia phần mũi với phần còn lại của đôi giày, để tạo ra một hình ảnh phá cách và trẻ trung hơn.
1.3 – Giày tây nam Oxford Wingtip
Được thiết kế với lớp da phủ hình chữ M (hay trông giống đôi cánh chim) cùng với chi tiết Brogue (họa tiết lỗ) một cách điệu đà và thời trang ngay phần mũi, đôi giày tây nam này mang kiểu dáng thoải mái và casual (kiểu giản dị hay thông thường) hơn hẳn hai kiểu dáng trên. Bạn có thể diện kiểu giày tây nam Oxford Wingtip này đến khá nhiều hoàn cảnh, những buổi tiệc thoải mái như đám cưới, đi làm hàng ngày hoặc thậm chí khi đi chơi, hẹn hò.
1.4 – Giày tây nam Oxford Balmoral
Thiết kế của Balmoral gần như giống hệt với giày tây nam Wingtip khi sở hữu đường cắt chữ M. Tuy nhiên hai loại giày tây nam này khác nhau ở chỗ Balmoral không có chi tiết Brogue. Với thiết kế đơn giản và không kém phần tinh tế này thì bạn có thể diện cùng đồ lịch sự hơn và đi phỏng vấn việc làm hoặc cho một bữa tối lãng mạn.
1.5 – Oxford Wholecut (Giày tây nam Oxford trơn)
Tên tiếng Anh của đôi giày này là wholecut và cũng có ý nghĩa là “được cắt, đóng từ một miếng da nguyên”, không thêm những chi tiết chắp vá hay đường cắt nào.
Thường thì thiết kế càng đơn giản thì phom dáng càng lịch sự. Nhưng giày tây nam kiểu whole-cut là một ngoại lệ, bạn có diện chúng đi bất cứ sự kiện nào từ những buổi tiệc lịch sự cho đến những ngày đi chơi thoải mái đó! Hơn nữa với kiểu dáng đơn giản này, sự lựa chọn màu sắc cũng sẽ đa dạng và hợp lý hơn.
Tuy nhiên, với kiểu dáng này thì giá tiền cũng không thể rẻ do làm từ một miếng da nguyên nên các kỹ thuật đóng giày cũng phức tạp hơn rất nhiều.
1.6 – Giày tây nam Oxford Saddle
Mang theo phong cách cổ kính của Mỹ (Tôi thấy kiểu dáng này mang chút hơi hướng của phong cách một gã cao bồi miền Tây), kiểu dáng này khá độc đáo và rất khó để tìm mua.
Kiểu giày tây nam Saddle này khác biệt ở chỗ nó có thêm một miếng da chắp lên giữa vùng cổ và thân giày. Tông màu của phần da này thường tương phản với màu giày với mục đích nhấn mạnh chi tiết.
MUA GIÀY TÂY NAM OXFORD TẠI LAZADA
2 – DERBY
Như đã nói ở trên, Derby chỉ có một chút sự khác biệt so với Oxford đó chính là khi buộc dây, phần mui giày của Derby sẽ hở ra một đoạn chứ không khít hoàn toàn như Oxford. Các bạn có thể xem ảnh dưới đây để hình dung dễ hơn.
Vì giày tây nam kiểu Derby không quá nhiều sự khác biệt so với Oxford nên các biến thể của chúng cũng tương tự. Do đó tôi sẽ không liệt kê ở đây nữa.
3 – LOAFER
Loafer là một trong năm dòng giày tây nam nên được xếp vào tủ giày cần có của cánh mày râu. Nhưng liệu bạn có biết rằng, Loafer (giày lười) là một phạm trù rất rộng, trong đó còn bao gồm nhiều kiểu dáng khác nhau, được sử dụng trong những dịp với phong cách trang phục khác nhau.
Trong phạm vi bài viết này, Mangazines sẽ giúp khám phá 8 kiểu giày Loafer phổ biến nhất!
3.1 – Kiltie Loafer
Dòng giày Kiltie Loafer mang một cái nhìn khá cổ điển châu Âu. Những đôi giày Kiltie Loafer hiện lên với đủ đặc điểm: đơn giản nhưng vẫn cá tính với hình ảnh tua rua và một lớp da được thiết kế tựa hàng rào ngay bên dưới
3.2 – Penny Loafer
Penny chắc chắn là mẫu giày được biết đến nhiều nhất thuộc dòng giày Loafer tiện dụng. Những đôi giày Penny Loafer có đặc điểm nổi bật là một lớp da cắt ngang bề mặt giày với hình ảnh cắt khuyết bên trên. Những đôi Penny Loafer có nguồn gốc từ dòng giày Weejun – khởi nguồn của giày Loafer từ những năm 1930.
3.3 – Pump Loafer
Những đôi giày Pump Loafer được biết đến là phụ kiện ăn ý nhất với những bộ tuxedo của nam giới. Chúng hiện lên với các đặc điểm ấn tượng như là có màu đen, bề mặt bóng loáng cùng một thân giày trước khá thấp – nên hãy cẩn thận khi lựa chọn tất đi kèm với mẫu giày Pump Loafer.
Và hãy lưu ý: Pump Loafer là mẫu giày da nam không phù hợp để đi hàng ngày đâu.
3.4 – Tassel Loafer
Tassel Loafer rất dễ bị nhầm với những đôi Kiltie Loafer nếu bạn chỉ nhìn lướt quá. Nhưng sau bài viết này, tôi hi vọng bạn sẽ có cái nhìn đúng đắng về cách sử dụng Tassel Loafer – mẫu giày da nam có nguồn gốc từ những năm 1950 và mang thiết kế kinh điển vượt thời gian.
Trong số 8 mẫu giày Loafer phổ biến nhất được liệt kê trong bài viết này, Tassel lại mang màu sắc ít trang trọng nhất. Kết hợp với những đôi giày Tassel có thể là quần chinos, quần jeans, quần short, áo khoác blazer.
3.5 – Horsebit hoặc Gucci Loafer
Horserbit được gọi nhiều với cái tên Gucci Loafer bởi đây là kiểu giày Loafer được sáng tạo bởi nhà thiết kế Ý – Guccio Gucci vào năm 1953. Những đôi Gucci Loafer mang vẻ ngoài cá tính khi sở hữu đai kim loại hình dây cương ngựa ngay tại thân trên của giày.
3.6 – Slipper Loafer
Slipper có được sự đón nhận của nhiều người hơn kiểu giày Pump Loafer được tôi liệt kê bên trên vì thiết kế thân giày trước cao hơn một chút. Riêng dòng giày Slipper thường được sản xuất bằng chất liệu mát và được sử dụng vào mùa hè, nên với Slipper, chúng ta có thể xỏ thẳng chân vào mà không cần đến sự hỗ trợ của những đôi tất.
3.7 – Espadrille Loafer
Mang lối thiết kế kinh điển xuất hiện từ thế kỷ thứ 14 là những đôi giày dành cho nam mang phong cách Espadrille. Cũng giống như Slipper, giày Espadriller được thiết kế để đi vào mùa hè và không cần mang cùng tất.
3.8 – Driving Loafer
Những đôi giày Driving Loafer được thiết kế dành cho những quý ông mang theo khi lái xe, mà không phải đi bộ. Thông thường, kiểu giaft Driving được sản xuất trong chất liệu da lộn hoặc với chất liệu mềm mại, dẻo dại để đảm bảo sự thoải mái cho đôi chân khi lái xe. Đồng thời, để phù hợp khi đạp phanh/thắng xe, đáy giày sẽ được làm phẳng có đế làm từ cao su.

Chú thích: Formality: Độ trang trọng; Everyday Wear: Có thẻ mặc hàng ngày; Season: Mùa; Tux: Tuxedo; Socks: Tất
4 – MONK STRAP
Đây là loại giày tây dành cho nam tương tự như giày Oxford, đặc trưng riêng của một đôi Monk-strap là thiết kế đóng mở bằng dây gài và khóa kim loại.
Monk-strap được xem là kiểu giày mang tính Formal-wear, dễ phối hợp trang phục hơn nhiều so với Brogue, là một trong các thể loại chính trên kệ giày của các quý ông.
Giày Monk-strap có 3 loại kiểu dáng cơ bản, bao gồm: Monk-strap (khóa đơn) và Double Monk-strap (khóa đôi), và đang ngày càng phổ biến là Triple Monk-strap (khóa ba).
5 – DRESS BOOTS
5.1 – Chelsea Boots
Những đôi bốt qua cổ mắt cá chân này thường có phần vải chun co dãn đàn hồi ở phía cạnh bên và thường được làm bằng chất liệu da lộn.
Đàn ông và phụ nữ xuất hiện với đôi giày Chelsea này trong thời đại Victoria những năm 1800. Vào những năm 60 trở về sau, những đôi giày nam cao cổ này đã xuất hiện trở lại trong các phong cách thời trang hiện đại của người Anh khi chúng trở thành những đôi giày được nhóm nhạc The Beatles lựa chọn.
Giày Chelsea Boots có thiết kế giản dị nhưng vô cùng hợp thời trang. Bạn hãy mặc chúng với quần jeans tối màu, áo cộc tay…Đừng quên diện chúng với một chiếc áo khoác thể thao hoặc áo khoác da khi trời trở gió.
5.2 – Cap Toe Boots
Những đôi bốt Cap Toe mũi nhọn này thường được thiết kế với kiểu nắp được may thẳng trên ngón chân. Kiểu giày cao cổ này có thiết kế trang trọng và lịch lãm hơn nên các chàng hãy diện nó với quần tây, quần chinos, quần jeans và áo blazer nhé.
Bạn có thể kết hợp kiểu bốt này với một bộ suit lịch lãm và áo măng-tô thời thượng vào mùa đông. Hãy suy nghĩ như thể bạn là một phiên bản Sherlock Holmes của thời hiện đại.
5.3 – Wingtip Boots
Những đôi bốt da gót thấp này có kiểu dáng tương tự như Captoe Boots. Tuy nhiên, thay vì được thiết kế với một đường may thẳng trên các ngón chân, Wingtip có nắp hình chữ W kéo dài về phía gót chân. Wingtip Boot có lỗ đục trang trí dọc theo đường may.
Ban đầu, bốt còn được gọi là “giày Brogue” và từng là một sản phẩm đi ngoài trời được sử dụng mạnh mẽ và được làm từ da thô.
Ngày nay, người ta thường diện chúng trong văn phòng, dẫu vậy song chúng vẫn được cho là phóng khoáng hơn kiểu bốt nam Cap Toe.
Wingtip không hẳn được coi là bốt. Với sản phẩm này, bạn có thể diện chúng với một bộ suit lịch lãm hoặc với quần jeans tối màu kết hợp cùng áo sơ mi có cổ và áo len.
5.4 – Desert Boots
Những đôi giày da nam cao cổ này có nguồn gốc từ những năm 50 phỏng theo những chiếc giày chiến đấu của những người lính Anh mặc trong Thế chiến thứ II. Chúng có ít dây giày hơn so với các kiểu giày có dây buộc khác, để có thể dễ dàng xỏ vào hay tháo ra. Hiện nay, Desert Boots thường được làm các loại da thật hoặc da lộn và được thiết kế với đế crepe (loại đế được làm bằng mủ cao su hoặc cao su).
Những đôi giày này được sử dụng trong cả trang phục thường ngày cũng như trang phục chiến đấu. Đương nhiên cũng không thể quên được dấu ấn mạnh mẽ của chúng trong các bộ trang phục của những ngôi sao với phong cách bất hảo như huyền thoại Steve McQueen.
Desert Boots là một kiểu giày da đẹp mang phong cách Chukka Boots. Phong cách này là tổng hợp của mọi đôi bốt có độ cao đến mắt cá chân với số lượng dây giày ít.
Desert Boots là một phần trong phong cách của những người yêu thích nghệ thuật và theo đuổi xu hướng hipster. Bạn chỉ cần diện chúng với một chiếc quần xắn gấu thật đẹp.
5.5 – Jodhpur Boots
Đây là một đôi bốt có độ dài đến mắt cá chân với thiết kế ngón chân tròn và phần gót thấp. Các dây đeo đính trên Jodhpur là một đặc điểm để nhận dạng chúng. Chúng được gắn lên trên và có thể được gắn chặt bằng khóa.
Những đôi bốt nam này có nguồn gốc từ Ấn Độ trong những năm 20 và được các tay đua ngựa địa phương diện cùng trang phục.
Sau đó vào năm 1927, Saks Fifth Avenue bắt đầu bán những đôi giày cao cổ này như một xu hướng thời trang mới ở phương Tây. Vogue đã từng viết rằng: Bạn nên mang giày Jodphur với một cây gậy vênh và găng tay dây hoàng yến.
Giày bốt Jodhpur được coi là một phục trang, mặc dù điều này vẫn còn khá mơ hồ. Nó tạo nên một phong cách hơi kì lạ với các kiểu trang trí công phu. Bạn hãy mặc chúng với một chiếc áo khoác hợp thời trang hoặc áo khoác da “cool ngầu”.
5.6 – Riding Boots
Loại boots nam này cao đến đầu gối và thường được thiết kế với sự xuất hiện của các mảnh kim loại nhỏ hoặc da sáng bóng. Những đôi bốt này thường là trang phục ăn mặc thường ngày hoặc trang phục biểu diễn.
Bốt Riding từng bảo vệ những người cưỡi ngựa cho đến khi Jodhpur Boots ra đời và trở thành loại bốt mới cần phải có cho bộ môn thể thao này.
Thật lòng mà nói, đây không phải kiểu giày cao cổ cho nam giới mà bạn có thể diện chúng dễ dàng. Nhưng bức hình ở trên là một minh họa tuyệt vời về cách mà bạn có thể diện một đôi boots nổi bật.
Hãy diện Riding Boots với một chiếc áo sơ mi có cổ cùng blazer khoác ngoài và một chiếc quần chinos.
5.7 – Motorcycle Boots
Những đôi bốt này được làm bằng da dày và nặng để bảo vệ người đi xe mô-tô khỏi sức nóng của ống xả và nhiệt của động cơ. Nó được thiết kế với phần gót thấp và dây đai không thể điều chỉnh được đóng bằng vòng kim loại.
Đôi bốt cao cổ này đôi khi sẽ bao gồm thêm một mũi giày được tích hợp bằng thép và chân kim loại ở phần gót để bảo vệ người lái xe khỏi bị thương.
Kiểu bốt này đem đến một nét nam tính lôi cuốn và bụi phủi. Đó là lý do tại sao các nhân vật trong The Vampire Diaries ưa chuộng nó.
Nếu bạn muốn tô điểm cho phong cách thời trang của mình trở nên mạnh mẽ và ấn tượng hơn, hãy diện Motorcycle Boots với quần áo tối màu. Bạn cũng có thể lựa chọn cho mình một đôi bốt màu nâu thay vì màu đen, để có vẻ ngoài bớt…dữ dội hơn.
5.8 – Cowboy Boots – Bốt cao bồi
Những đôi bốt này thường được làm từ da bò, có gót thấp và ngón chân tròn hoặc nhọn. Chúng thường được trang trí với các đường cắt trên cùng hoặc các họa tiết hình học được trang trí công phu và có thêm phần đế ở dưới gót chân, đó là kiểu đế cong vào bên trong.
Đúng như tên gọi, những đôi boots này ban đầu được mặc bởi những người chăn nuôi gia súc ở Mỹ vào những năm 1860. Một số cao bồi muốn diện những đôi giày đẹp hơn để mặc vào thị trấn, do đó người ta làm ra những thiết kế trang trí công phu hơn. Ngày nay, một số đôi Cowboy Boots thậm chí còn được làm bằng da cá sấu, da rắn hoặc lươn.
Mang bốt cao bồi với bất cứ loại trang phục nào làm từ chất liệu denim sẽ đem đến cho bạn vẻ ngoài “bất khả xâm phạm”.
Hãy mặc kệ vẻ ngoài giản dị và bụi bặm của mình, diện thêm một chiếc áo sơ mi có cổ rộng vừa vặn để mang lại nét thẩm mỹ mộc mạc khó chối từ.
5.9 – Workwear Boots – Bốt lao động
Bốt lao động có chất liệu dày, chống nước với phần đế được làm từ cao su. Chúng có vẻ ngoài to lớn và cứng cáp hơn nhiều loại boots khác.
Ban đầu, đôi bốt được sử dụng nhằm bảo vệ các công nhân khỏi các chất hóa học, nước, tuyết hoặc bùn. Workwear Boots cũng là loại giày bốt hoàn hảo để đi bộ đường dài.
Những đôi bốt này cũng trở thành mặt hàng thời trang chủ chốt cho các tín đồ yêu thích phong cách thời trang hip-hop và punk. Một số thương hiệu nổi tiếng về loại bốt này có thể kể đến là như Dr. Martens và Timberlands.
Workwear Boots thực tế có thể được thiết kế với phần nắp thép trên phần đầu mu bàn chân để bảo vệ người mang khỏi chấn thương liên quan đến mảnh vỡ.
Quần áo bảo hộ lao động xuất hiện ở những ngã tư đường phố với kiểu dáng hầm hố và hợp thời trang. Bạn có thể kết hợp Workwear Boots với những trang phục mang âm hưởng denim và áo khoác dài giống như Kanye.
CÁC LOẠI DA LÀM GIÀY TÂY NAM THÔNG DỤNG
1- Synthetic leather (Da tổng hợp)
Synthetic leather còn được biết đến với tên gọi da tổng hợp. Đây là loại da được chính con người sản xuất với những đặc điểm tương tự như da thật.
Chất liệu da tổng hợp vẫn giữ được độ mềm mịn gần giống với da thật, hơn hết là ít tốn kém và cũng không làm hại đến động vật.
Ngoài ra, synthetic leather cũng không bị bong tróc.
2 – Artificial leather (Da nhân tạo)
Da nhân tạo là loại da có thể nhuộm được nhiều màu sắc khác nhau, độ bền cao và được xử lý chống nhòe màu.
Nhìn bên ngoài, da nhân tạo cũng giống như da thật nhưng vượt trội hơn về màu sắc cũng như độ tiện dụng.
Dù chất lượng thấp hay cao thì chúng vẫn được gọi chung là leather nhưng bao gồm nhiều loại khác nhau như full grain leather, split grain leather, suede leather, v.v…
Mỗi loại sử dụng hàm lượng da khác nhau và quy trình sản xuất cũng khác nhau.
3 – Suede leather (Da lộn)
Da lộn là loại da làm từ mặt trái của da động vật. Những sản phẩm làm từ da lộn như giày tây nam thường được giới trẻ ưa chuộng vì vẻ đẹp phóng khoáng lạ mắt.
Tuy nhiên nhược điểm của loại da này chính là dễ thấm nước và bám bẩn.
4 – Full grain leather
Thoạt nhìn thì full grain leather có vẻ giống với da lộn, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Nói một cách đơn giản, full grain leather thấy bề mặt da thô ra ngoài, ngược lại bên trong là bề mặt mềm mịn.
Chất liệu da này thường được dùng để sản xuất giày boots do chất lượng da tốt, bền và chịu ma sát cao.
5 – Simili (hay gọi là “Si”)
Có lẽ hầu hết mọi người đều quen thuộc với tên gọi “simili”, đây là tên gọi chung các hầu hết các sản phẩm giả da hiện nay. Chúng còn có một số tên gọi khác như faux leather, pleather, v.v…
Simili được làm từ một tấm vải dệt bằng sợi polyester, sau đó được nhuộm từ một đến hai lớp nhựa PVC để tạo sự liên kết. Tiếp đến là công đoạn định hình tạo vân, xử lí bề mặt và nhuộm màu.
Simili có tính chất cứng và khó lau chùi, thường được dùng để sản xuất các mặt hàng như giày nữ giá rẻ.
6 – PU leather (Da PU)
Có thể hiểu nôm na rằng, da PU là một bản nâng cấp của simili. Da PU là simili được phủ thêm lớp nhựa Polyurethane (PU). Do có tính chất của lớp nhựa này mà da PU mềm hơn, dễ lau chùi và cũng có độ bền tốt hơn hẳn so với simili thông thường.
So với da thật, hiển nhiên da PU không thể đạt được chất lượng tối ưu, tuy nhiên với công nghệ hiện đại ngày nay, da PU vẫn được sử dụng để tạo ra những sản phẩm thời trang như giày dép nữ, túi xách, ví v.v…
Sở dĩ những sản phẩm làm từ da PU luôn được nhiều người ưa chuộng là bởi chất lượng của chúng nằm ở mức ổn, dễ bảo quản, độ bền tương đối cao và hơn hết là giá thành chỉ bằng khoảng một nửa da thật.
CÁCH NHẬN BIẾT GIÀY DA THẬT VÀ GIÀY GIẢ DA
Về bản chất, những đôi giày tây nam được làm từ da thật sẽ có chất lượng tốt hơn, bền hơn và có cái nhìn tự nhiên hơn giày giả da. Song những đôi giày giả da lại có mức giá thấp hơn những đôi giày được làm từ da thật.
Tùy vào sở thích, bạn có thể lựa chọn một đôi giày từ da thật hoặc giả da ưng ý. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng vì lợi nhuận lại sẵn sàng nói một đôi giày giả da chính là giày da thật để tăng lợi nhuận thu về.
Để tránh trở thành một chú cừu non nớt bị lừa oan, khi mua giày da, bạn có thể thực hiện các bước sau nhằm phân biệt giày da thật và giày giả da!
1 – Hơ lửa
Khi hơ lửa lên bề mặt giày giả da sẽ khiến bề mặt da giày bị co rút chảy nhão, trong khi bên giày da thật sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tôi khuyên bạn hãy thực hiện cách này cuối cùng sau khi thực hiện các cách bên dưới mà chưa rút ra kết luận, tránh làm hỏng mất đôi giày mới vì nhiệt.
Nếu có thử, chỉ thử lửa trong một thời gian ngắn, với mực độ lửa vừa phải vì dù sao, da thật hay giả da cũng không phải vật liệu chống cháy.
2 – Ngửi mùi
Trong khi da thật sẽ có mùi ngai ngái, khó ngửi của chất béo từ động vật, thì giày giả da mùi sẽ là hóa chất, hoặc hương liệu thêm vào để áp mùi hóa chất.
3 – Ấn tay vào bề mặt da
Ấn tay là một trong những cách phân biệt giày da thật và giày giả da để kiểm tra mức độ đàn hồi của da. Nếu là da thật, khi ấn tay, vết lõm xuống sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu do chúng có khả năng đàn hồi tốt – điều mà giả da, loại da công nghiệp sẽ không theo kịp.
4 – Sử dụng nước
Về khoản chống nước da thật sẽ kém hơn so với chất liệu giả da vì sẽ không có lớp tráng bóng bảo vệ ngoài cùng. Khi nhỏ nước lên bề mặt da, nếu vệt nước nhanh chóng lan rộng ra bề mặt, ngấm vào bên trong da, hãy xác định ngay đây là một đôi giày da thật trong khi giày giả da, nước bên trên không hề thẩm thấu.
5 – Quan sát
Nhìn kỹ bằng mắt hoặc có sự hỗ trợ của công cụ phóng đại sẽ giúp bạn phân biệt giày da thật và giày giả da. Bề mặt của da thật sẽ có những lỗ chân lông nhỏ vẫn được giữ nguyên trong khi bề mặt giày giả da thường nhẵn nhụi, bằng phẳng vì được sử lý kĩ lưỡng.
Trên thực tế, đây là cách ít được dùng nhất do yêu cầu về công cụ đặc dụng. Nhưng tôi nghĩ những phép thử bên trên cũng đã đủ với hầu hết các anh em rồi.
CÁCH CHỌN MỘT ĐÔI GIÀY TÂY CHO NAM PHÙ HỢP
1 – Về size giày
Đây chắc chắn là một điều tối quan trọng khi chọn một đôi giày. Hãy nhớ, là một người đàn ông thì cũng nên có một sự chăm chút bản thân nhất định. Size giày hay quần áo là điều tối thiểu bạn cũng nên nhớ cho dù bạn là một kẻ đãng trí nhất.
Bạn nên đo kích cỡ chân của mình trước khi mua giày để xác định size giày mà bạn cần mua. Tiếp theo là bạn ướm trực tiếp vào chân để cảm nhận sự vừa vặn và thoải mái.
Đây sẽ là tiêu chí hàng đầu cho việc mua một đôi giày da tốt. Bởi vì một đôi giày vừa vặn, thoải mái với đôi chân của mình sẽ giúp bạn thuận tiện cho việc đi lại.
Khi bạn cảm thấy dễ dàng và thoải mái thì tinh thần của bạn sẽ tốt. Điều đó có tác động tích cực đến hiệu quả công việc và chất lượng sống của bạn.
2 – Chất liệu giày
Đối với phái mạnh, hãy lựa chọn cho mình một đôi giày tây làm bằng da thật. Vì da là loại chất liệu tự nhiên rất an toàn cho sức khoẻ.
Vẻ đẹp của một đôi giày da thật sẽ làm toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng và đẳng cấp. Hơn nữa, một đôi giày da thật có giá trị sử dụng lâu dài.
3 – Về kiểu dáng
Ngày nay, giày tây của nam giới cũng rất đa dạng về kiểu dáng, chủng loại. Tuy nhiên, chúng vẫn được chia thành 2 loại buộc dây và không buộc dây.
Giày buộc dây thể hiện sự chỉn chu, lịch lãm. Giày không buộc dây thể hiện sự phóng khoáng, khoẻ khắn, năng động.
Trong đó còn có thể chia ra 3 kiểu dáng giày phổ biến nhất là mũi tròn, mũi nhọn và mũi vuông. Giày mũi nhọn thể hiện sự trẻ trung, nam tính. Giày mũi vuông thể hiện mạnh mẽ, chỉn chu. Giày mũi tròn thể hiện sự phóng khoáng.
Tùy vào sở thích riêng của mỗi người mà bạn có thể chọn cho mình những kiểu dáng giày phù hợp.
4 – Về đế giày
Đế giày được phân biệt với hai loại cơ bản là đế da và đế cao su. Giày đế cao su có độ bám và ma sát tốt, giá cả thấp hơn đế da nhưng lại khá nặng.
Đế da là loại chất liệu tự nhiên nên an toàn cho sức khoẻ người mang và thân thiện với môi trường vì dễ phân huỷ.
Giày đế da đi êm hơn, nhẹ hơn, mang tính thẩm mỹ cao và dễ dàng sửa chữa thay thế. Nhưng độ bám của giày đế da lại không cao bằng đế cao su. Nhược điểm của đế da có thể khắc phục bằng việc dán thêm lớp cao su mỏng bên dưới lớp đế da.
Bạn có thể căn nhắc về giá cả và chất lượng để lựa chọn loại đế giày phù hợp với nhu cầu sử dụng.
MÀU SẮC VÀ CÁCH PHỐI ĐỒ GIÀY TÂY NAM VỚI QUẦN ÁO
Các loại giày tây nam đa số chỉ gói gọn trong 3 loại màu da chính đó là đen, nâu, và đỏ rượu
Đen
Màu đen là màu phổ biến nhất với hầu hết các loại giày tây nam. Với những đôi Oxford đen thì sự lựa chọn hàng đầu đó chính là một bộ suit màu đen.
Đây là một màu của sự lịch lãm và sang trọng, do đó trang phục cùng với hoàn cảnh diện màu cũng phải phù hợp với sự trang trọng và lịch lãm đó.
Nâu
Đây là màu phổ biến thứ hai sau màu đen. Với một đôi giày tây nam màu nâu, bạn có thể phối nó với hầu hết các màu phổ biến như xám, ghi hoặc xanh navi của một bộ suit.
Tuy nhiên, với một bộ suit đen và một đôi giày tây nam màu nâu hoặc bất cứ màu nào khác màu đen, thì đây là điều tối kị (có thể là đối với tôi thôi). Nó tạo ra một sự đứt gãy trên sự liền lạc của set đồ bạn đang mặc. Hãy chỉ đơn giản sử dụng suit đen và giày đen thôi nhé.
Đỏ rượu
Ngoài hai màu trên thì đây là cái tên phổ biến tiếp theo. Phù hợp với các trang phục casual hơn.
Với màu này, bạn hãy sử dụng chúng khi đi cùng với các trang phục thường ngày, đi chơi, du lịch cùng bạn bè và các hoạt động mang tính linh hoạt.
CÁCH VỆ SINH VÀ BẢO QUẢN GIÀY TÂY NAM ĐÚNG CÁCH
Khi Giày da bị ẩm ướt
- Giày bị ướt: Trong trường hợp giày bị ướt do nước mưa hay do vấn đề nào đó gây nên làm nước ngấm vào giày thì đầu tiên hãy rút miếng lót ra và hong khô đôi giày trong nhà. Lau qua những vết bẩn bằng vải ướt sau đó lau khô lại một lượt. Sau đó, xé nhỏ giấy báo và độn đầy trong giày để giữ cho đôi giày da không bị mất dáng và chóng khô giày. Tuyệt đối không mang giày ra ngoài phơi nắng bởi lớp da sẽ bị cứng, da sẽ rách và gây đau chân khi sử dụng.
- Giày bị ẩm: Khi giày bị ẩm bạn có thể bỏ một chút vôi bột hoặc có thể dùng bột Trapha (bột này bạn có thể mua ngoài hiệu thuốc nhé) rắc đều xung quanh cả trong lẫn ngoài giày. Vừa có tác dụng khử mùi hôi giày vừa có tác dụng hút ẩm một cách nhanh chóng. Nếu bên trong giày làm bằng lông nỉ bạn có thể dùng máy sấy, sấy trực tiếp chỉ vài phút giày sẽ khô ráo hơn.
Lưu ý: Trong những ngày mưa, nên hạn chế để giày tiếp xúc với nước bởi chúng rất dễ khiến đôi giày của bạn bị bong lớp keo dẫn đến hiện tượng nước có thể bị ngập vào bên trong và đó cũng là cách bảo quản giày da tốt nhất.
Cách vệ sinh và làm sạch bóng giày da
- Vỏ chuối sau khi ăn xong bạn đừng vội vàng vứt đi, mà hãy dùng mặt dưới của chiếc vỏ để lau khắp bề mặt bên ngoài chiếc giày. Trong vỏ chuối chứa chất danning không chỉ có tác dụng tẩy sạch vết bẩn mà còn giúp đôi giày da luôn sáng bóng
- Dùng sữa tươi không đường lau giày sẽ làm cho độ bền của đôi giày hay các đồ da không bị rạn nứt.
- Đôi tất cũ của bạn còn có tác dụng hữu ích nữa đấy. Dùng tất thấm vào xi giày, sẽ làm cho đôi giày sáng bóng mà không trầy xước.
- Đừng bận tâm lo lắng khi đôi giày da trắng của bạn bị bẩn. Chỉ cần dùng giấm thấm vào vết bẩn của giày và lau sạch bằng khăn khô sau đó đánh xi trắng là như mới luôn.
Lưu ý: Để đánh bóng làm mới giày da một cách hiệu quả, trước khi đánh xi bạn nên lau sạch bụi bẩn bám lên giày. Sử dụng xi một cách hợp lý với xi nước và xi kem. Lưu ý nên tháo dây trước khi đánh giày.
Giày da bị nứt, nổ, bong tróc
Giày da nếu bạn sử dụng liên tục, sau một thời gian dài sẽ phai dần màu, hoặc nứt da. Đừng vôi vàng thay mới nếu đó là đôi giày mà bạn yêu thích.
Bạn có thể dùng mực tàu nhúng vào chút lòng trắng trứng gà rồi đánh đều lên bề mặt da. Khi đã quét xong bạn đem giày ra nơi khô thoáng để phơi.
Thêm một lần đánh xi nữa và bạn sẽ bất ngờ đôi giày của mình hoàn lại như mới.
Giày da bị nấm mốc
Bạn pha 5ml dung dịch diệt nấm cùng với 500ml nước rồi dùng miếng bọt biển thấm vào và chà sát lên vùng bị nấm mốc.
Sau đó lau lại bằng miếng bông hoặc vải đã thấm nước súc miệng diệt khuẩn. Để giày nơi khô ráo và đánh lại bằng xi giày
Nếu vết mốc khó đi, bạn có thể dùng một chút xà phòng, đánh nhẹ lên phần bị mốc rồi lau lại bằng nước và khăn khô. Để nơi thoáng mát khô ráo tự nhiên là được nhé.
Làm mềm giày da
- Khi mới mua về giày da thường cứng sẽ làm bạn cảm thấy đau gót chân. Để làm mềm da giày, bạn sử dụng một miếng mút thấm nước và chà nhẹ lên bề mặt da, da giày sẽ mềm hơn. Lưu ý, không nên lạm dụng việc này thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng da nhé.
- Giày da dùng lâu ngày bị cứng, bạn cắt nửa củ khoai tây ra và chà nhẹ lên bề mặt da, hay có thể pha một chút sữa tươi không đường cùng nước cốt chanh phết nhẹ lên da, nếu có một chút dầu lửa thì bạn bôi lên cũng được nhé. Sau đó đánh xi cùng màu da giày
Cách cất giữ và bảo quản giày tây nam
- Nếu bạn thường xuyên sử dụng giày, nên lau sạch và đánh xi từ 1 đến 2 lần trong tuần.
- Nếu bạn ít khi sử dụng thì trước lúc đi bạn nên đánh xi để làm sạch bụi bẩn.
- Với những đôi giày chờ đến dịp mới sử dụng thì nên đánh xi hay sáp đánh bóng cho thật sạch và sau đó nhét giấy báo vào giày để giữ phom giày không bị biến dạng, rồi cất giữ trong túi nylon. Hoặc mỗi lần cất giữ giày bạn nên dùng mỡ lợn hoặc dầu thực vật để bôi lên da giày để giữ da. Đây là cách bảo quản giày da không bị nổ một cách tốt nhất
Chú ý: Một điểm đáng chú ý nữa là các bạn không nê n sử dụng xăng, dầu, axit hoặc kiềm tiếp xúc với giày da vì chúng sẽ làm cho da bị ố, gây mục nát chỗ da tiếp xúc.
Giữ dáng giày tây nam bằng Shoe tree
Cây giữ phom giày hay còn được gọi là shoes trees có tác dụng giữ dáng cho đôi giày của bạn khi bạn không sử dụng chúng.
Đôi khi, cây giữ phom giày còn có tác dụng nới giày cho vừa chân bạn và làm cho những đôi giày da của bạn tránh khỏi những vết nhăn.
Như khi bạn đến cửa hàng giày, bạn sẽ ưng ý những đôi giày trên kệ hơn những đôi giày có chút nhăn trong hộp vì chúng đã được shoes trees giữ dáng.
Bảo vệ giày tây nam bằng các sản phẩm chuyên biệt cho giày da
Hãy tham khảo những sản phẩm bảo vệ giày trên thị trường để chọn ra cho đôi giày của bạn một sản phẩm chuyên dụng.
Bạn có thể lựa chọn xịt chống nước hay khăn chuyên dụng lau giày trong những trường hợp bất ngờ bị dính bẩn. Cách này giúp bạn tránh được những tác nhân không mong muốn làm đôi giày của bạn trở nên cũ kỹ và nhanh hỏng.
Tuy nhiên, đôi khi bạn chẳng hề nghĩ đến chúng cho đến khi đôi giày của bạn thực sự dính bẩn và bạn đang tìm kiếm cách giải quyết. Do vậy, thay vì tìm mọi cách giúp đôi giày bền đẹp, trước hết bạn cần biết cách bảo vệ chúng.
Để gọn vào tủ giày
Đây là điều “không thừa” với những anh chàng muốn có một đôi giày bền lâu.
Quẳng ngay đôi giày dưới sàn hay sân là điều quen thuộc tiện chân. Những đôi giày có thể bị giẫm đạp hay bị những cú đá vô tình là điều dễ dàng xảy ra. Chúng cũng dễ dàng bị bắt bụi hay bạc màu do nắng.
Hãy dành thời gian để cất chúng trong những tủ giày hoặc những chiếc hộp. Chỉ đơn giản bạn cũng có thể giữ tuổi thọ của đôi giày được lâu hơn.
Một điều bạn cũng nên lưu ý, đặc biệt vào mùa độ ẩm cao, những túi chống ẩm là điều cực kỳ quan trọng. Với những đôi giày bạn ít đi lại và cần được cất giữ nếu không có túi hút ẩm, đôi giày của bạn có thể bị mốc bất cứ lúc nào và mốc ăn vào da gây hỏng da, da xỉn.
Đồng thời túi chống ẩm cũng tránh những mùi hôi ẩm mốc mang lại. Thay vì giặt giày thường xuyên thì bảo quản đúng cách sẽ giúp đôi giày luôn mới lại bền lâu.